Hội nghị khoa học chỉ đạo tuyến chuyên ngành Sản Phụ khoa Hà Nội lần thứ 8

235

Sáng 11/12, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã tổ chức Hội nghị khoa học chỉ đạo tuyến chuyên ngành Sản Phụ khoa Hà Nội lần thứ 8. Đây là hoạt động thường niên của bệnh viện với nhiều báo cáo khoa học chuyên ngành Sản Phụ khoa nhằm nâng cao hiệu quả công tác điều trị và chăm sóc bệnh nhân.

Tại hội nghị, PGS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện cho biết, với tinh thần là bệnh viện tuyến cuối từ năm 2018, được Bộ Y tế phân công chỉ đạo công tác sản phụ khoa với 5 tỉnh phía Bắc, nhưng không có nghĩa là khi nào tuyến dưới khó khăn thì nhờ Bệnh viện giúp đỡ; mà phải là sự gắn kết, đối tác, tương trợ, phối hợp nhau để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho bệnh nhân. Hội nghị này cũng là dịp để cập nhật những tiến bộ, kỹ thuật trong chuyên ngành sản phụ khoa thế giới, đồng thời là diễn đàn khoa học công bố các đề tài nghiên cứu, giải pháp đã được ứng dụng, triển khai thành công tại Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội.

Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội trong những năm gần đây rất nghiêm túc thực hiện các quy định của Bộ Y tế. Đặc biệt, luôn có một bộ phận cập nhật những kiến thức mới nhất trên thế giới về sản, phụ khoa, trước hết là áp dụng tại bệnh viện.

“Không có những kiến thức mới nào trên thế giới đã được thực hiện, đã được công bố, được các giáo sư hàng đầu ghi nhận mà Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội không biết, không cập nhật để lĩnh hội, xem xét, triển khai áp dụng tại bệnh viện. Tiếp đó, là giúp đỡ các tuyến, các cơ sở tùy theo khả năng của từng tuyến, từng cơ sở”, Giám đốc Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội nhấn mạnh.

Đã có 11 bài báo cáo tại Hội nghị về các nội dung sản khoa, sơ sinh, phụ khoa, thai kỳ sớm, gây mê hồi sức.Một số báo cáo, đề tài được trình bày đã thu hút sự quan tâm của các bác sĩ tham dự hội thảo như: Truyền ối- hiệu quả và ứng dụng tại Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội; Thời điểm kết thúc thai kỳ; Sàng lọc thường quy nguy cơ đẻ non; Những tiến bộ trong chăm sóc và điều trị trẻ sơ sinh non tháng… Đặc biệt, dù mới được triển khai hơn 1 năm, nhưng kỹ thuật truyền ối giúp giảm nguy cơ sinh non ở trẻ đã bước đầu cho thấy những hiệu quả với tỷ lệ thành công cao.

Trình bày báo cáo tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Duy Ánh – Giám đốc bệnh viện cho biết: có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng cạn ối của thai phụ và đến nay nhiều nơi chưa có biện pháp điều trị hiệu quả thì kỹ thuật truyền ối đã mang lại hy vọng cho các bà mẹ bị thiểu ối đang được theo dõi, điều trị tại Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội.

Những trường hợp thiểu ối kéo dài, khiến thai nhi dừng cử động trong buồng tử cung có thể dẫn đến cứng khớp, ảnh hưởng tới phổi và nguy cơ đẻ non hoặc thai chết lưu. Vì vậy, việc truyền ối là đưa một loại dịch vô khuẩn hay còn gọi là nước ối nhân tạo vào làm tăng thể tích nước trong buồng ối. Tùy vào từng thể trạng sản phụ để có số lần truyền ối, có thể là 1 – 2 – 3 lần, và lượng dịch ối cũng khác nhau. “Trong số các ca thành công, trường hợp sản phụ bị cạn ối khi 33 tuần bình thường sẽ phải mổ bắt con, nhưng bằng phương pháp truyền ối nên đã kéo dài tới 39 tuần, đẻ con khỏe mạnh, nặng 2,7 kg. Hoặc có sản phụ 31 tuần vừa bị rau tiền đạo, vừa cạn ối, sau khi được truyền ối cũng kéo dài thời gian mang thai thêm 1 tháng… “, Giám đốc Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội chia sẻ.

Cũng theo PGS Nguyễn Duy Ánh, hiện Bệnh viện đang theo dõi hơn 20 sản phụ khác bị thiểu ối. Điều đáng lưu ý là các bác sĩ tuyến dưới đánh giá, chẩn đoán tình trạng cạn ối, tìm nguyên nhân và nếu chưa biết xử lý thì cần chuyển tuyến để tránh tình trạng đưa đến Bệnh viện tuyến cuối đã quá muộn, làm giảm tỷ lệ thành công trong kỹ thuật truyền ối.

Một số Hình ảnh tại Hội nghị: