KHUYẾN CÁO MỚI NHẤT 2023 CỦA ADA (HỘI ĐTĐ HOA KỲ) VỀ QUẢN LÝ TIỂU ĐƯỜNG CỦA THAI PHỤ

339

Trung tâm Đào tạo – Chỉ đạo tuyến cập nhật và tóm tắt về: Khuyến cáo mới nhất 2023 của ADA (Hội ĐTĐ Hoa Kỳ) về quản lý tiểu đường của thai phụ.

  1. Quản lý bệnh nhân đái tháo đường: Tiêu chuẩn chăm sóc bệnh nhân đái tháo đường – 2023

TƯ VẤN SỨC KHỎE SINH SẢN

Khuyến cáo

15.1. Tư vấn sức khỏe sinh sản cho tất cả phụ nữ mắc đái tháo đường và có khả năng mang thai liên tục từ tuổi dậy thì, nên tư vấn trước mang thai trong quá trình quản lý bệnh nhân mắc đái tháo đường A

15.2. Tư vấn kế hoạch hóa gia đình, áp dụng các biện pháp tránh thai hiệu quả (có thể áp dụng tránh thai lâu dài, có thai lại được khi mong muốn) cho đến khi kế hoạch điều trị và nồng độ HbA1c máu của bệnh nhân phù hợp để có thể mang thai A

15.3. Tư vấn sức khỏe sinh sản phải giải thích được cho bệnh nhân tầm quan trọng của kiểm soát nồng độ glucose càng bình thường càng tốt để đảm bảo an toàn, lý tưởng là nồng độ HbA1c dưới 6.5% (48 mmol/mol) để giảm nguy cơ dị tật bẩm sinh, tiền sản giật, thai to và các biến chứng khác A

CHĂM SÓC TRƯỚC MANG THAI

Khuyến cáo

15.4. Phụ nữ mắc đái tháo đường có kế hoạch mang thai nên được chăm sóc trước sinh ở trung tâm đa chuyên khoa, bao gồm khoa nội tiết, sản khoa-sơ sinh, dinh dưỡng, chăm sóc và giáo dục bệnh nhân đái tháo đường B

15.5. Ngoài điều chỉnh nồng độ glucose mục tiêu A, cần tập trung vào chăm sóc trước mang thai, giáo dục bệnh nhân đái tháo đường, tầm soát các bệnh lý kèm theo và các biến chứng của đái tháo đường B

15.6. Bệnh nhân mắc đái tháo đường typ I hoặc typ II trước đó có kế hoạch mang thai hoặc đang mang thai nên được tư vấn nguy cơ xuất hiện và/hoặc tiến triển bệnh lý võng mạc do đái tháo đường. Thực hiện khám mắt trước khi mang thai hoặc trong quý I (3 tháng đầu) thai kỳ, sau đó mỗi bệnh nhân nên được theo dõi mỗi quý và một năm sau sinh dựa trên mức độ của bệnh lý võng mạc đái tháo đường và theo khuyến cáo của bác sĩ chuyên khoa mắt B

MỤC TIÊU GLUCOSE MÁU Ở THAI KỲ

Khuyến cáo

15.7. Mục tiêu là đạt được nồng độ glucose máu lúc đói và sau bữa ăn mục tiêu ở sản phụ mắc đái tháo đường trước đó và đái tháo đường thai kỳ. Mục tiêu là nồng độ glucose máu đói dưới 95 mg/dL (5.3 mmol/L) và glucose máu sau ăn 1h dưới 140 mg/dL (7.8 mmol/L) và nồng độ glucose máu sau ăn 2h dưới 120 mg/dL (6.7 mmol/L). Một số bệnh nhân mắc đái tháo đường trước đó nên được kiểm tra nồng độ glucose máu trước ăn B

15.8. Do tăng số lượng hồng cầu khi mang thai, nồng độ HbA1c sẽ hơi giảm ở những phụ nữ có thai có hoặc không bị mắc đái thái đường. Lý tưởng nhất là đạt được nồng độ HbA1c mục tiêu dưới 6% (42 mmol/mol) mà không bị hạ đường huyết, nhưng mục tiêu có thể chỉ cần dưới 7% (53 mmol/mol) để tránh bị hạ đường huyết B

15.9. Theo dõi đường huyết liên tục được sử dụng cùng với theo dõi nồng độ glucose máu trước và sau ăn có thể hỗ trợ đạt được nồng độ HbA1c mục tiêu ở sản phụ mắc đái tháo đường B

15.10. Theo dõi glucose máu, đạt mục tiêu đường huyết trước và sau ăn cùng theo dõi glucose máu liên tục có thể giúp giảm biến chứng thai to và hạ đường huyết sơ sinh ở những sản phụ mắc đái tháo đường typ I B

15.11. Có thể sử dụng thêm thiết bị theo dõi glucose liên tục, tuy nhiên nó không thay thế được vai trò của kiểm tra glucose máu để đạt được đường máu mục tiêu trước và sau ăn

15.12. Nồng độ HbA1c máu và các chất chỉ điểm đường máu khác ở sản phụ không được dùng để đánh giá glucose máu giống phụ nữ khi không mang thai

15.13. Tư vấn dinh dưỡng phải cân bằng các chất dinh dưỡng đa lượng (bao gồm hoa quả, ngũ cốc, các loại hạt, các chất béo tốt chứa gốc acid béo n-3 có trong các loại hạt, đậu, cá)

QUẢN LÝ ĐÁI THÁO ĐƯỜNG THAI KỲ

Khuyến cáo

15.14. Thay đổi lối sống là một yếu tố thiết yếu trong quản lý đái tháo đường thai kỳ và có thể đủ để điều trị cho nhiều trường hợp thai phụ. Có thể điều trị thêm Insulin khi cần để đạt được nồng độ glucose máu mục tiêu A

15.15. Insulin là thuốc đầu tay dùng trong điều trị tăng đường huyết trong đái tháo đường thai kỳ. Metformin và glyburide không được sử dụng trong đái tháo đường thai kỳ do chúng có thể đi qua hàng rào máu – nhau thai. A Các thuốc hạ đường huyết uống hoặc thuốc tiêm không phải Insulin khác thiếu dữ liệu an toàn khi được sử dụng lâu dài ở phụ nữ có thai

15.16. Khi bệnh nhân đã có thai sau sử dụng Metformin để điều trị hội chứng buồng trứng đa nang và gây rụng trứng, nên dừng dùng Metformin trước quý I của thai kỳ.

15.17. Thăm khám online cho sản phụ mắc đái tháo đường thai kỳ cho kết quả tốt hơn so với sản phụ khám định kỳ tại phòng khám A

QUẢN LÝ SẢN PHỤ MẮC ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TYP I VÀ TYP II TRƯỚC MANG THAI

Khuyến cáo điều trị Insulin

15.18. Insulin được dùng để điều trị cho sản phụ mắc đái tháo đường typ I trước đó A. Insulin là thuốc điều tay trong điều trị cho sản phụ mắc đái tháo đường typ II trước mang thai B.

15.19. Sản phụ mắc đái tháo đường typ I có thể dùng được Insulin ở cả hai dạng tiêm nhiều mũi trong ngày hay dạng bơm C

TIỀN SẢN GIẬT VÀ ASPIRIN

Khuyến cáo điều trị Insulin

15.20. Nên bắt đầu điều trị Aspirin liều thấp từ 100-150 mg/ngày cho những sản phụ mắc đái tháo đường typ I hoặc typ II từ tuần 12-16 (thời điểm bắt đầu có thể từ tuần 12 đến tuần 16) để giảm nguy cơ tiền sản giật E. Có thể chấp nhận liều dùng Aspirin 162 mg/ngày E. Gần đây, Mỹ có sẵn Aspirin liều thấp 81mg/viên.

DÙNG CÁC THUỐC TRONG THAI KỲ

Khuyến cáo

15.21. Ở những thai phụ mắc đái tháo đường và tăng huyết áp mạn tính, ngưỡng bắt đầu điều trị tăng huyết áp là 140/90 mmHg cho kết quả thai kỳ tốt hơn là chỉ điều trị hạ huyết áp ở thai phụ tăng huyết áp nặng, không làm tăng nguy cơ thai nhỏ hơn tuổi thai. A Vẫn còn thiếu dữ liệu về ngưỡng huyết áp không dùng thuốc, tuy nhiên không dùng thuốc hạ áp ở sản phụ có huyết áp dưới 90/60 mmHg. E Huyết áp mục tiêu được khuyến cáo là 110-135/85 mmHg mang lại lợi ích giảm nguy cơ tăng huyết áp thai kỳ cấp cứu (tăng huyết áp có tổn thương cơ quan đích) A.

15.22. Một số thuốc có khả năng gây hại cho thai (thuốc ức chế men chuyển, thuốc ức chế thụ thể angiotensin, statin) nên được dừng trước khi thụ thai và tránh dùng cho những phụ nữ có hoạt động tình dục trong độ tuổi sinh sản không sử dụng biện pháp tránh thai đáng tin cậy B.

CHĂM SÓC HẬU SẢN

Khuyến cáo

15.23. Sau sinh, tình trạng kháng Insulin giảm ngay lập tức và nhanh chóng, cần đánh giá lại và điều chỉnh liều dùng Insulin vì ngay trong vài ngày đầu sau sinh, liều Insulin thường giảm còn khoảng 50% so với khi đang mang thai C.

15.24. Tất cả phụ nữ mắc đái tháo đường nên được tư vấn về kế hoạch hóa gia đình A.

15.25. Với sản phụ có mắc đái tháo đường thai kỳ, nên tiến hành tầm soát đái tháo đường ở thời điểm từ 4 đến 12 tuần sau sinh, sử dụng nghiệm pháp dung nạp đường huyết uống 75 gram glucose và dùng tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường ở phụ nữ không mang thai để đánh giá A.

15.26. Những bệnh nhân thừa cân hoặc béo phì, có tiền sử mắc đái tháo đường thai kỳ, được chẩn đoán tiền đái tháo đường nên được điều trị thay đổi lối sống tích cực và/hoặc Metformin để tránh tiến triển thành đái tháo đường A.

15.27. Cho con bú giúp giảm nguy cơ tiến triển thành đái tháo đường typ II ở mẹ và nên được cân nhắc khi lựa chọn nuôi con bằng sữa mẹ hay sữa công thức B.

15.28. Bệnh nhân có tiền sử mắc đái tháo đường thai kỳ nên được tầm soát tiến triển thành đái tháo đường typ II hoặc tiền đái tháo đường suốt đời, 1-3 năm/lần.

15.29. Bệnh nhân có tiền sử mắc đái tháo đường thai kỳ nên được tầm soát đái tháo đường trước mang thai để được tư vấn và chăm sóc trước mang thai, xác định và điều trị tăng đường máu, phòng tránh các dị tật bẩm sinh E.

15.30. Chăm sóc sau sinh nên bao gồm cả đánh giá tâm lý và hỗ trợ bệnh nhân tự chăm sóc bản thân E.

Thông tin tham khảo thêm vui lòng truy cập đường link dưới đây:

https://diabetesjournals.org/care/article/46/Supplement_1/S254/148052/15-Management-of-Diabetes-in-Pregnancy-Standards