Đo lường ẩn niềm tin người phụ nữ về tránh thai. Tiêu đề ngắn: Nghiên cứu VN IAT

237
  • Nghiên cứu hợp tác với đại học OHIO: Đo lường ẩn niềm tin người phụ nữ về tránh thai. Tiêu đề ngắn: Nghiên cứu VN IAT

Năm 2017, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội (Hanoi OB/GYN Hospital) đã có nghiên cứu hợp tác với Đại học Bang Ohio (OSU), được tài trợ bởi Quỹ Bill and Melinda Gates để tiến hành nghiên cứu “Đo lường ẩn niềm tin người phụ nữ về tránh thai” hay còn gọi là Nghiên cứu VN IAT. TS Maria Gallo thuộc Đại học OHIO chịu trách nhiệm chung cho toàn bộ tổ chức nghiên cứu này.

Nghiên cứu được thực hiện tại Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội, Việt nam, dưới sự hướng dẫn của TS Nguyễn Công Nghĩa, Nghiên cứu viên chính thực địa. phối hợp cùng PGS TS Nguyễn Duy Ánh Giám đốc BVPSHN, ThS BS Nguyễn Cảnh Chương, ThS Trần Thị Hải Dung cùng các cán bộ thuộc bộ phận NCKH – BVPSHN.

Đại học OHIO cung cấp chuyên môn kỹ thuật và đảm nhiệm giám sát nghiên cứu. Việc theo dõi và chịu trách nhiệm đạo đức nghiên cứu được cung cấp bởi Hội đồng xem xét Đạo đức Nghiên cứu Y sinh, Đại học bang Ohio. Hội đồng này đã đăng ký với Văn phòng Bảo vệ nghiên cứu trên con người và bảo đảm bởi Federal Wide Assurance (FWA00006378), cùng với Hội đồng xem xét đạo đức nghiên cứu y sinh, Đại học Y tế công cộng Hà nội (FWA00009326).

Mục đích của nghiên cứu là để thu thập các đo lường ẩn (ngầm định) của người phụ nữ về “sự an toàn” và “tính tự nhiên” của 2 phương pháp tránh thai là Dụng cụ tử cung (IUD) và Viên tránh thai uống (Oral contraception pill), sử dụng một Trắc nghiệm Phối hợp Ẩn đơn hạng. Mục tiêu chính là để xác minh liệu các đo lường ẩn về sự an toàn và tính tự nhiên của biện pháp tránh thai có phải là yếu tố dự đoán mạnh hơn của hiện trạng sử dụng, so với các đo lường hiện và Để xác định các yếu tố liên quan đến việc có niềm tin mạnh mẽ được đo lường ẩn về tư duy rằng biện pháp tránh thai là không an toàn hay không tự nhiên. Phương pháp nghiên cứu là nghiên cứu cắt ngang với một cuộc thăm duy nhất.

Nhóm nghiên cứu tiến hành thu thập số liệu bằng Bảng hỏi (Questionnaire) trên phần mềm REDCap và Trắc nghiệm phối hợp ẩn trên phần mềm Inquisit 5 Lab trên 500 phụ nữ trưởng thành, không mù chữ, hoạt động tình dục thường xuyên, không mang thai và không có ý định mang thai trong vòng 1 năm tới, và có thể sử dụng được máy tính.

Nghiên cứu hợp tác này là một dấu mốc trong sự phát triền về nghiên cứu khoa học của Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội, giúp thúc đẩy hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học, hỗ trợ trao đổi học thuật giữa bệnh viện và quốc tế, tạo dựng môi trường nghiên cứu thuận lợi, hội nhập quốc tế nhằm nâng cao năng lực khoa học và chuyên môn, thu hút các nguồn lực nước ngoài (tài chính, dự án, …) cho nghiên cứu khoa học tại bệnh viện. Đây cũng là cơ hội để tăng cường kết nối, phát triển mạng lưới hợp tác quốc tế nâng cao tầm của Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội không chỉ về Nghiên cứu khoa học mà về chất lượng của toàn bệnh viện.